Tế bào gốc và điều trị
Điều Trị Giảm Trí Nhớ - Tế Bào Gốc Não, Thần Kinh
Bs Huỳnh Cao Cường
I/ Tế bào não của người
Ở người, não bộ hay còn gọi là khối óc, là trung tâm điều khiển của hệ thần kinh trung ương và chịu trách nhiệm điều khiển hành vi. Bộ phận não thuộc vùng đầu, được bảo vệ bởi hộp sọ, và gần với các giác quan chính như thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, và cơ quan cảm giác về thăng bằng.
Não là một cơ quan vô cùng phức tạp. Não người có hơn 100 tỉ tế bào thần kinh, mỗi tế bào thần kinh liên kết với khoảng 100 ngàn tế bào thần kinh khác.
Bộ não thể hiện sự khác biệt giữa chất xám và chất trắng.
- Chất xám chủ yếu gồm các thân tế bào thần kinh.
- Chất trắng của não thì đa số là các sợi liên kết các tế bào thần kinh. Những sợi thần kinh được tách ly bằng chất Myelin do tế bào Oligodendroglia tạo ra. Màu trắng đặc trưng trong chất trắng của não do màu trắng của chất Myelin mà ra.
Hình thành bộ não giai đoạn phôi: Trước khi thay đổi hình dạng tế bào não nhằm tạo ra một công cụ tối chuyên biệt thì tế bào não là một phần của tế bào phôi không khác biệt với tế bào da. Hệ thần kinh trung ương được hình thành rất nhanh ngay khi còn trong phôi người vì nó phải kiểm soát các hoạt động trọng yếu sau này. Trong 21 ngày đầu tiên, hệ thần kinh chiếm 90% khối lượng phôi, sau 3 tháng nó chiếm 70% khối lượng phôi, sau đó là 40% ở trẻ sơ sinh và cuối cùng là chỉ còn lại 2% ở người trưởng thành.
Phôi ở tuần thứ 3 là một đám tế bào bên trong có chứa một chiếc đĩa gồm 3 phiến lá xếp chồng lên nhau.
- Lá phôi thứ 1: sẽ hình thành nên da và mô thần kinh.
- Lá phôi thứ 2: sẽ cho ra cơ và xương.
- Lá phôi thứ 3: sẽ hình thành nên các cơ quan nội tạng.
Những bộ phôi đầu tiên được hình thành từ các tế bào gốc là những tế bào gốc đa năng có thể là nguồn gốc của tất cả các tế bào trong cơ thể. Các tế bào gốc hiện trong các tầng sâu của ống thần kinh, sau đó chúng phân ra và di chuyển đến các tầng phía trên mặt. Quá trình di chuyển này kéo dài trong hai đến ba tháng đầu của đời sống phôi thai. Những tế bào đó, dưới tên gọi là nguyên bào thần kinh và nguyên bào thần kinh đệm, là những tế bào tiên phong của các tế bào thần kinh và tế bào đệm (gọi tắt là tế bào gốc não).
II/ Tế bào gốc thần kinh
Chức năng tế bào thần kinh: học tập, ghi nhớ, ra lệnh, phân tích,… Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trí nhớ của con người sau khi học tập những kinh nghiệm từ bên ngoài, những di truyền bản năng,… được chia làm 2 dạng: trí nhớ vô thức và trí nhớ hữu thức. Cả 2 loại trí nhớ này luôn luôn tồn tại giúp hình thành xã hội tiên tiến của loài người.
Vô thức: được hình thành trong quá trình di truyền, hay học tập, ghi nhớ mà chúng ta không thể điều chỉnh được, không tự ý thay đổi,… ví dụ như: nhịp đập của tim, hô hấp của phổi, trí nhớ lúc sơ sinh,…không mất đi theo thời gian.
Hữu thức: được hình thành bởi quá trình trí nhớ đã ghi lại trong thời gian sống mà chúng ta nhận thức được, và có thể điều khiển được nó,… ví dụ như: học ăn, học nói, giao tiếp, nhớ về tuổi thơ, câu nói của cha mẹ, thầy cô,…
Thế giới hiện hữu: như nhà sinh lý học Robert Edwards (Đoạt giải Nobel Y học 2010) từng nói "Đối với tôi thì trên thế giới này chỉ có ba thứ mà tôi cảm thấy mơ hồ nhất, nó khiến cho tôi và dường như tất cả mọi người vô cùng tò mò, đó là: Tâm linh - Vũ trụ - Bộ não con người". Thật sự đã trải qua một quá trình rất dài để nghiên cứu bộ não, nhưng chúng ta chưa hề biết nhiều về nó. Bộ não con người là một ẩn số vô cùng lớn vượt thời gian.
Nói đến sự kỳ diệu của bộ não người, tất cả chúng ta luôn luôn đặt ra những câu hỏi và hỏi không ngừng, và dường như những lời giải đáp về điều đó cũng không giải thích tất cả những nghi vấn và tò mò. Thế giới có những bộ não vượt bậc như:
- Giáo sư Clark (thầy của Tony Buzan, có thể nhớ từng chi tiết về bất cứ học sinh nào mà ông dạy như họ tên, ngày tháng năm sinh, cư trú tại số nhà, đường, phố nào và kể cả cha mẹ là ai).
- Tony Buzan - cha đẻ của sơ đồ tư duy, đã thay đổi cách suy nghĩ của mọi người về tính ưu việt của bộ não và con người có thể rèn luyện để có một bộ não tuyệt vời.
- Kỷ lục gia Guinness thế giới Eran Katz với khả năng nhớ 500 con số bất kỳ chỉ qua một lần nghe đã làm cho ông nổi tiếng khắp thế giới và được cho là một trí não siêu phàm về khả năng ghi nhớ cực kỳ nhanh với các con số (trí nhớ hữu thức).
Những khả năng siêu phàm về trí nhớ của Tony Buzan, Eran Katz và nhiều bộ não ưu việt khác nữa trên thế giới đều thực sự là một câu hỏi lớn chưa đủ lời giải đáp của các nhà thần kinh học. Vì theo lời dẫn của Anne Debroise trong cuốn sách "Bí ẩn của bộ não" có viết rằng "Một số người có một trí nhớ siêu phàm. Ví dụ như họ có thể nhớ liên tiếp đến 70 từ không liên quan đến nhau hoặc có thể đọc theo trí nhớ một bảng gồm 50 chữ số, dù là đọc ngược từ dưới lên trên hay đọc theo đường chéo"...
Nếu chúng ta quay ngược lại thời gian một chút thì chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những gì mà bộ não Einstein làm được, nó làm cả thế giới bất ngờ trong sự hân hoan. Những đặc thù về bộ não Albert Einstein đã làm thế giới ngày nay tốn biết bao nhiêu giấy mực. Những tính năng tư duy, ghi nhớ, tính toán nhanh... được gọi là "thiên tư" hay "trí thông minh".
Trí thông minh, nó có thể là bẩm sinh hay do nỗ lực mà có? Một trẻ em ngay còn rất nhỏ, đã có một trong hai khuynh hướng này. Nhưng có những trí tuệ chỉ bộc phát sau một thời gian rèn luyện, như trường hợp của những người tính toán cực giỏi. Còn nếu nói về tính di truyền của trí thông minh thì điều này cũng tùy vào đó là loại trí năng nào: Ví dụ: như đặc tính di truyền về trí năng âm nhạc hoặc toán học có thể cao, nhưng đặc tính này lại thấp hơn so với trí năng liên cá nhân. Tuy nhiên không có một công cụ nào có thể đo lường được khả năng trí tuệ bẩm sinh. Có điều là nếu một bộ não thông minh không được phát triển trong một môi trường phù hợp thì thông minh đó sẽ dần dần biến mất.
III/ Quá trình lão hóa bộ não (Sự chết của tế bào thần kinh)
Sự chết của các nơron cũng đã bị hiểu sai trong suốt một thời gian dài. Cách đây 20 năm, người ta cho rằng một số vùng não, như cấu tạo đồi thị chẳng hạn, mất đi đến 50% số lượng nơron khi con người về già mặc dù họ không hề có triệu chứng thoái hóa não. Tuy nhiên các nghiên cứu mới nhất cho thấy sự suy giảm số lượng nơron, nếu có cũng là rất nhỏ trong các trường hợp lão hóa thông thường. Do đó không phải cái chết của các nơron đã làm suy giảm chức năng não, mà chức năng giảm chẳng qua là do những liên kết giữa các nơron với nhau giảm cả về mặt số lượng lẫn chất lượng.
Nhiều giả thuyết được đưa ra: có thể là do bao myelin xung quanh phần kéo dài và có tác dụng thúc đẩy nhanh việc chuyên chở luồng thần kinh bị hư hại, số lượng đường liên kết giữa các nơron với nhau giảm, các vùng xảy ra các kết nối bị hư hại hoặc não bộ mất đi tính mềm dẻo….
Các nghiên cứu chỉ ra rất nhiều khác biệt về năng lực giữa đàn ông và phụ nữ. Ví dụ, đàn ông có khả năng di chuyển dễ dàng hơn trong không gian, còn phụ nữ thì lại có năng khiếu hơn về học ngôn ngữ. Bệnh Alzheimer (AD) là một bệnh thoái hóa thần kinh dẫn đến teo não, bao gồm hệ thống cơ bản não trước cholinergic, hạch hạnh nhân, vùng hippocampus và một số khu vực vỏ não khác.
IV/ Phương pháp điều trị
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị được các nhà khoa học đưa ra nhằm mục đích duy trì trí nhớ, phục hồi tế bào gốc thần kinh, tuần hoàn não giúp lưu thông mạch máu được tốt,… Những nghiên cứu thành công về khả năng phục hồi được các tế bào thần kinh lão hóa, thông qua sự kích thích tái tạo của các tế bào gốc thần kinh chuyên biệt khác; thông qua sự nuôi cấy, chiết lọc tế bào gốc thần kinh khỏe, an toàn.
Vậy quá trình lão hóa bộ não (sự chết của tế bào thần kinh) theo nghiên cứu khoa học hiện nay là do quá trình lão hóa và giảm dần tế bào thần kinh theo thời gian. Liên kết giữa các nơron với nhau giảm cả về mặt số lượng lẫn chất lượng. Hiểu rõ về tế bào thần kinh giúp chúng ta điều trị tốt hơn, có nhiều biện pháp hữu hiệu và an toàn hơn.
Ví dụ: nếu chúng ta tập thói quen cho bộ não hoạt động đều và liên tục, kết hợp thư giãn sẽ đạt được kết quả tốt nhất, trí nhớ tốt nhất,… ngược lại nếu chúng ta lười suy nghĩ, hay suy nghĩ căng thẳng, stress quá mức,…không cho bộ não thư giãn sẽ làm cho tế bào gốc thần kinh suy giảm đáng kể, suy giảm trí nhớ sớm hình thành, tư duy kém,…
Ngoài ra, các tế bào gốc còn được nghiên cứu và sử dụng thành công cho việc cung cấp các yếu tố có thể thay đổi quá trình của bệnh Alzheimer.
Bài viết liên quan
NHỮNG BỆNH ĐÃ ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ HOÀN TOÀN BẰNG LIỆU PHÁP TẾ BÀO GỐC
LIỆU PHÁP NHAU THAI: MỘT CÁI NHÌN SÂU SẮC TỪ SINH HỌC VÀ ĐẶC TÍNH TRỊ LIỆU
ĐIỀU TRỊ LÃO HÓA DA BẰNG TẾ BÀO GỐC
NHỮNG LOẠI TẾ BÀO GỐC ĐANG ĐƯỢC ỨNG DỤNG TRONG ĐIỀU TRỊ HIỆN NAY
TẾ BÀO GỐC TRUNG MÔ CÓ THỂ ĐIỂU TRỊ DỨT ĐIỂM BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?