Tế bào gốc và điều trị
NHỮNG LOẠI TẾ BÀO GỐC ĐANG ĐƯỢC ỨNG DỤNG TRONG ĐIỀU TRỊ HIỆN NAY
Bác sĩ Bùi Thanh Bình
Công nghệ tế bào gốc (TBG) hiện nay đang là một trong những công nghệ hứa hẹn mang lại nhiều tiềm năng cho y học nói chung cũng như chuyên ngành thẩm mỹ - chống lão hóa nói riêng. Vậy hiện nay công nghệ này đã phát triển tới đâu? Và hiện có những loại TBG nào đang được sử dụng? Bài viết này sẽ cho người đọc câu trả lời.
Những loại tế bào gốc chủ yếu được ứng dụng trong điều trị
Hiện nay có bốn loại TBG chính đang được ứng dụng trong điều trị, đó là TGB trưởng thành, TBG thai, TBG phôi và TBG vạn năng nhân tạo (iPS). Trong đó, mỗi loại TBG đều có lịch sử phát triển và những ưu, nhược điểm nhất định.
Tế bào gốc trưởng thành
Đây là một trong những loại TBG có lịch sử lâu đời nhất và thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học cũng như các bác sĩ trị liệu. Trong đó, TBG tạo máu từ tủy xương là loại TBG trưởng thành đã được nghiên cứu và ứng dụng trong điều trị thành công. Ngoài các TBG tạo máu, TBG trưởng thành còn bao gồm các TBG trung mô (mesenchymal stem cell: MSC) được phân lập từ mô mỡ, tủy xương hoặc nhau thai, ngoài ra, TBG trưởng thành còn được lấy từ cuống rốn và được gọi là TBG cuống rốn hay TBG máu cuống rốn. Ngoài ra, theo một số phòng nghiên cứu hàng đầu tại Pháp, Đức và Thụy Sĩ, TBG trưởng thành còn có thể chiết xuất thành công từ động mạch (artery – AY), tim (cardia – CA), sụn (cartilage – CE), mắt (eye – EE), tuyến tiền liệt (prostate – PE), tụy (pancreas – PS), dạ dày (stomach – SH), não (cerebrum – CM), tinh hoàn (tesicles – TE), buồng trứng (ovary – OY), ruột (intestine – IE).
Ưu điểm của TBG trưởng thành:
TBG trưởng thành có ưu điểm là chúng biệt hóa rất tốt thành tế bào (TB) trưởng thành với đầy đủ chức năng. Đồng thời, loại TBG này sẵn có và có thể thu thập từ mô ở người trưởng thành, nên không gây ra những tranh cãi về đạo đức. Một ưu điểm quan trọng khác của TBG trưởng thành là chúng tương đối an toàn nếu được nuôi cấy và phát triển trong một môi trường đạt chuẩn.
Nhược điểm của TBG trưởng thành:
Do là TBG trưởng thành, nên tiềm năng biệt hóa của loại TBG này khá hạn chế. Ví dụ: TBG trưởng thành từ cơ không thể tạo thành TB nào khác ngoài cơ, trừ khi có sự can thiệp của các nhà khoa học. Ngoài ra, nếu bệnh nhân có bệnh lý miễn dịch hay hệ miễn dịch tăng hoạt động, thì khả năng dung nạp của TBG trưởng thành cũng hạn chế.
Tế bào gốc thai
TBG thai là những TBG được lấy từ thai nhi thu nhận được qua quá trình nạo phá thai, do vậy việc sử dụng loại TBG này có ít nhiều liên quan đến vấn đề đạo đức.
Ưu điểm: Tiềm năng biệt hóa và khả năng tăng sinh lớn hơn TBG trưởng thành.
Nhược điểm: Khó kiểm soát trong quá trình đưa TBG vào cơ thể.
Tế bào gốc phôi
TBG phôi là loại TBG được lấy từ giai đoạn phôi nang (vài ngày sau thụ tinh trong ống nghiệm), trong thực tế TBG phôi thường được thu nhận từ những phôi dư thừa trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Ưu điểm: TBG phôi có một ưu điểm “độc nhất vô nhị” là tính vạn năng. Về nguyên tắc, chúng có thể tạo thành bất kỳ loại TB người nào hiện diện trong cơ thể.
Nhược điểm: Do được lấy từ giai đoạn đầu trong quá trình phát triển của hợp thể người, nên TBG phôi cũng gặp phải những tranh cãi liên quan đến đạo đức. Ngoài ra, cơ thể người nhận dễ nhận diện các TBG phôi là các TB lạ nên dễ xảy ra vấn đề thải loại miễn dịch sau khi ghép TBG. Và do có tính vạn năng, nên việc kiểm soát sự phát triển TBG phôi cũng mang nhiều thách thức.
Tế bào gốc vạn năng nhân tạo (tế bào iPS)
Năm 2006, một nhà nghiên cứu người Nhật là Tiến sĩ Shinya Yamanaka đã công bố một nghiên cứu độc nhất vô nhị trong ngành TBG, đó là “biến” một TB thông thường, cụ thể là TB sợi (fibroblast) trở thành một loại TBG vạn năng mới, ông gọi đó là những “tế bào gốc vạn năng nhân tạo” hay “tế bào iPS”.
Ưu điểm của TB iPS: trên lý thuyết, TB iPS có thể được tạo ra từ da của bệnh nhân và đưa trở lại cấy ghép cho chính bệnh nhân đó, do vậy triển vọng thành công lớn hơn do tỷ lệ thải loại giảm đi đáng kể. Ngoài ra, mặc dù mang hình thái và đặc tính giống như TBG phôi nhưng không cần phôi để tạo ra TB iPS, do đó TB iPS ít gây ra những tranh cãi về đạo đức.
Nhược điểm: do có đặc tính giống TBG phôi nên sự kiểm soát sự phát triển của TBG phôi trong cơ thể gặp nhiều thách thức. Đồng thời, thời gian thẩm định chất lượng dài (6 tháng) và chi phí để tạo ra TB iPS tương đối cao là những trở ngại để ứng dụng rộng rãi TB iPS trong điều trị.
Kết luận: Mặc dù có rất nhiều tiềm năng phát triển, nhưng hiện tại còn nhiều thách thức với chuyên ngành TBG nói chung. Hiện nay, việc ứng dụng TBG trưởng thành trong điều trị đã bước đầu đạt được những thành công nhất định và có thể được cân nhắc như là một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả, đặc biệt trong chuyên ngành y học tái tạo, trẻ hóa.
Bài viết liên quan
NHỮNG BỆNH ĐÃ ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ HOÀN TOÀN BẰNG LIỆU PHÁP TẾ BÀO GỐC
LIỆU PHÁP NHAU THAI: MỘT CÁI NHÌN SÂU SẮC TỪ SINH HỌC VÀ ĐẶC TÍNH TRỊ LIỆU
ĐIỀU TRỊ LÃO HÓA DA BẰNG TẾ BÀO GỐC
TẾ BÀO GỐC TRUNG MÔ CÓ THỂ ĐIỂU TRỊ DỨT ĐIỂM BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?