Tế bào gốc và điều trị

Điều Trị Đau Nửa Đầu - Stress

BS HUỲNH CAO CƯỜNG

Đau nửa đầu là một dạng bệnh lý đau đầu do căn nguyên mạch máu, thần kinh,… có đặc điểm cơ bản là: đau nửa đầu từng cơn, gặp nhiều ở tuổi thanh thiếu niên nam và nữ, căng thẳng stress và đa số có yếu tố gia đình. Tên khoa học: Migraine - Migraigne - Megrim, có nghĩa là "nửa" và "sọ".

Đau nửa đầu điển hình thường chỉ ảnh hưởng một bên đầu. Triệu chứng nhẹ đến nặng như: đau nhức nửa đầu có thể kéo dài từ 5 phút đến vài giờ, hoặc vài ngày (72 giờ), với những triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, sợ ánh sáng (nhạy cảm với ánh sáng hơn), và sợ âm thanh (nhạy cảm với âm thanh hơn). Khoảng một phần ba người bị chứng đau nửa đầu cảm nhận được tiền triệu ('aura') - hình ảnh, mùi vị, hoặc một cảm nhận giác quan không bình thường báo hiệu cơn đau nửa đầu sắp diễn ra.

Đau nửa đầu Migraine là một trường hợp đặc biệt thuộc nhóm đau đầu mạn tính có nguồn gốc rối loạn nguyên phát ở não. Migraine là loại bệnh không nguy hiểm đến tính mạng ngoại trừ các thể đặc biệt như Migraine có biến chứng thần kinh. Mặc dù vậy, nó thường xuất hiện những cơn đau nhức nửa đầu dữ dội kéo dài kết hợp với một số triệu chứng khác làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các nhà nghiên cứu trên thế giới như Thomas Willis 1960 hay Jame Lane 1990… cho rằng Migraine là loại đau đầu có liên quan đến vai trò của chất dẫn truyền thần kinh thuộc hệ serotoninergic, nó có tác dụng gây co các động mạch lớn và giãn các động mạch nhỏ cũng như các vi mạch, thuyết này hiện nay các nhà thần kinh học thế giới vẫn còn công nhận.

I/ Chẩn đoán đau nửa đầu không đi kèm tiền triệu có thể được thực hiện dựa theo tiêu chuẩn "5,4,3,2,1" của Hiệp hội Quốc tế về Bệnh đau đầu như sau:

  • Nhiều hơn 5 cơn đau
  • Kéo dài 4 giờ đến 3 ngày
  • Có nhiều hơn 2 biểu hiện sau - ảnh hưởng một bên, có đặc tính nhức/đau co bóp, đau từ trung bình đến nặng, bị nặng thêm nếu hoạt động thể chất hoặc có xu hướng tránh hoạt động thể chất.
  • Có nhiều hơn 1 triệu chứng đi kèm sau - buồn nôn và/hoặc nôn mửa, chứng sợ ánh sáng, chứng sợ âm thanh

Đối với đau nửa đầu có tiền triệu, chỉ cần 2 cơn đau là đủ để kết luận bệnh.

II/ Có bốn giai đoạn phổ biến sau đây trong một cơn đau nửa đầu, nhưng không phải tất cả bệnh nhân đều trải qua. Ngoài ra, các giai đoạn và các triệu chứng trong từng giai đoạn cũng có thể khác nhau trong từng lần đau ở cùng một bệnh nhân:

1/ Các triệu chứng sớm

Xảy ra ở 40–60% bệnh nhân đau nửa đầu. Giai đoạn bao gồm: thay đổi tính khí, ngứa ngáy, trầm cảm hoặc thay đổi tâm trạng, mệt mỏi, ngáp, ngủ rất nhiều, thèm ăn một món gì đó, căng cơ (nhất là cơ cổ), táo bón hoặc tiêu chảy, tiểu nhiều hơn, và các triệu chứng về phủ tạng… Những triệu chứng này xảy ra trước cơn đau vài giờ hoặc vài ngày, và bệnh nhân cũng như người nhà có thể dựa vào kinh nghiệm để dự đoán trước cơn đau.

2/ Giai đoạn tiền triệu

  • Đối với 20–30% bệnh nhân đau nửa đầu có kèm tiền triệu, hiện tượng này là một hiện tượng thần kinh tập trung xảy ra trước hoặc trong một cơn đau đầu. Chúng xuất hiện dần dần từ 5 đến 20 phút và thường kéo dài không quá 60 phút.
  • Ảnh hưởng thị giác là hiện tượng thần kinh phổ biến nhất (ám điểm chói lóa; thường được sắp xếp như lỗ châu mai của lâu đài, vì thế còn có tên là "hình ảnh pháo đài" hoặc tiếng Anh là "teichopsia").
  • Xúc giác trong đau nửa đầu bao gồm rối loạn xúc giác ở tay và miệng, cảm giác kim châm ở bàn tay và cánh tay cũng như khu vực mũi miệng cùng bên. Rối loạn xúc giác lan tỏa lên cánh tay rồi lên vùng mặt, môi và lưỡi.
  • Ảo giác, thính giác và khứu giác, chứng mất khả năng hiểu ngôn ngữ tạm thời, chóng mặt, cảm giác kiến bò và tê ở mặt và đầu chi kèm với xúc giác quá nhạy cảm.
  • Cảm giác hình ảnh bị mờ, bị ngạt mũi, tiêu chảy, tiểu nhiều, tái xanh, hoặc đổ mồ hôi cũng có thể thấy trong giai đoạn đau đầu.
  • Phù cục bộ ở da đầu và mặt, da đầu nhạy cảm, tĩnh mạch hoặc động mạch nổi lên ở vùng thái dương, bị căng cứng hoặc bị mềm ở vùng cổ. Mất khả năng tập trung và thay đổi cảm xúc cũng phổ biến. Đầu chi thường cảm thấy lạnh và ẩm ướt.

3/ Giai đoạn đau

Đau nửa đầu có thể kéo dài từ 5 phút đến vài giờ, đến vài ngày (72 giờ), kèm với những triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, sợ ánh sáng và sợ âm thanh.

4/ Giai đoạn sau cơn đau

Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc chán nản, trầm cảm và phiền muộn, đau đầu kèm nhận thức khó khăn; các triệu chứng về hệ tiêu hóa: chán ăn kèm theo sợ ánh sáng và hoa mắt…; thay đổi tính khí, đôi khi cảm thấy trở nên yếu đuối hoặc cảm thấy khoan khoái, tỉnh táo lạ thường sau cơn đau.

III/ Yếu tố thúc đẩy cơn đau nửa đầu: từ điển Bách khoa toàn thư Y học MedlinePlus, đưa ra danh sách các yếu tố kích hoạt cơn đau nửa đầu như sau:

  • Dị ứng
  • Ánh sáng mạnh, âm thanh lớn, hoặc một số loại mùi đặc biệt hoặc nước hoa nào đó.
  • Thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, sử dụng thuốc tránh thai, thay đổi hormon trong thời kỳ tiền mãn kinh.
  • Đau đầu căng thẳng stress.
  • Sử dụng thức ăn có chứa tyramine (rượu vang đỏ, pho mát lâu ngày, cá xông khói, gan gà, quả vả và một số loại đậu); Natri glutamat (MSG) hoặc muối nitrat (như trong thịt muối, xúc xích hoặc xúc xích salami)

IV/ Hai nhóm nguyên nhân chính gây đau nửa đầu

1/ Nguyên nhân mạch máu:

  • Cơn đau bắt đầu khi mạch máu trong não co và giãn không thích hợp. Điều này có thể bắt đầu từ thùy chẩm, nằm phía sau ở não. Khi các động mạch co thắt, dòng máu chảy bị thiếu hụt ở thùy chẩm gây ra tiền triệu ở một số bệnh nhân bởi vì vùng thị giác nằm ở thùy chẩm.
  • Khi sự co thắt dừng lại và mạch máu giãn ra, chúng trở nên to quá. Thành mạch máu đang cứng trở nên mềm và thẩm thấu nhiều hơn làm một ít dịch thoát ra. Sự thoát dịch được cảm nhận bởi các thụ thể đau trong mạch máu ở các mô xung quanh. Để đáp ứng lại, cơ thể cung cấp cho vùng đó các hóa chất gây viêm. Mỗi lần tim đập, máu đi qua vùng nhạy cảm đó tạo ra một nhịp đau.

2/ Nguyên nhân thần kinh Serotonin:

  • Serotonin là một chất truyền đạt thần kinh, hay "hóa chất thông tin" giúp truyền thông điệp giữa các tế bào thần kinh. Nó giúp kiểm soát tính khí, cảm nhận đau, hành vi tình dục, giấc ngủ, cũng như sự co giãn mạch máu. Nồng độ serotonin thấp trong não có thể dẫn đến quá trình co giãn mạch máu và kích hoạt cơn đau nửa đầu.
  • Khi một số dây thần kinh nhất định hoặc một vùng trên thân não bị kích thích, cơn đau bắt đầu. Đáp ứng lại sự kích thích, cơ thể giải phóng các hóa chất gây viêm mạch máu. Hoạt chất P là một trong những hoạt chất được giải phóng khi bị kích thích. Cảm giác đau tăng lên khi hoạt chất P giúp chuyển dấu hiệu đau lên não.

Tổng hợp cả 2 loại: kích thích dây thần kinh và mạch máu tạo ra phản ứng viêm thần kinh và đau.

V/ Phòng bệnh

Các biện pháp dự phòng bệnh đau nửa đầu là một phần quan trọng trong điều trị bệnh này. Các biện pháp này có nhiều loại, bao gồm uống thuốc hay bổ sung dinh dưỡng; thay đổi lối sống như tăng cường thể dục và tránh các yếu tố kích hoạt cơn đau.

Mục tiêu của biện pháp dự phòng là để giảm tần số, mức độ đau và thời gian kéo dài của những cơn đau, đồng thời tăng hiệu quả của các biện pháp cắt cơn đau. Một lý do nữa là để tránh việc đau đầu do dùng quá nhiều thuốc hay đau đầu ngược, một vấn đề khá phổ biến đối với các bệnh nhân đau nửa đầu. Người ta cho rằng hiện tượng này một phần là do dùng quá nhiều các loại thuốc giảm đau, và có thể dẫn tới đau đầu mãn tính hàng ngày.

Các thuốc phổ biến hiện nay là propranolol, atenolol, metoprolol, flunarizine, sodium valproate, topiramate. Nhưng cần uống ít nhất trong vòng 3 tháng.

VI/ Điều trị

1/ Điều trị triệu chứng: tức thì

Phương pháp điều trị truyền thống tập trung vào 3 điểm: tránh yếu tố kích hoạt, điều trị triệu chứng và các loại thuốc dự phòng. Các loại thuốc được coi là "hiệu quả" nếu nó có thể làm giảm 50% tần số hoặc mức độ cơn đau.

Đối với những bệnh nhân đau nửa đầu mãn tính, các loại thuốc làm cắt cơn đau có thể dùng để điều trị, và thường có hiệu quả hơn nếu được uống sớm vì khi cơn đau đã bắt đầu thì hiệu quả sẽ giảm.

Paracetamol, thuốc giảm đau nhẹ kết hợp với caffeine… Các loại thuốc chống trầm cảm (thuốc an thần). Điều trị bằng thảo dược, châm cứu, vật lý trị liệu…v.v

2/ Điều trị căn nguyên: mạch máu, thần kinh

Bên cạnh những khảo sát về hình ảnh học như CTscan, cộng hưởng từ MRI và siêu âm mạch máu để loại trừ những nguyên nhân dị dạng mạch máu, u não, tụ máu…v.v. Hiện nay xu hướng điều trị mới đối với đau nửa đầu Migraine được nguyên cứu theo cách phục hồi tế bào gốc của từng vùng, từng cơ quan bệnh lý cụ thể.

Ví dụ: với những tế bào thần kinh, não, mạch máu đã suy giảm chức năng, về cơ học, lý học, hóa học, quá trình lão hóa,… thì cần được thay thế, phục hồi, kích thích để tái tạo chu trình tế bào mới. Những rối loạn dẫn truyền thần kinh hay cải thiện tình trạng co giãn mạch máu bất thường được và đang nghiên cứu sâu rộng trên cơ sở phục hồi chức năng và tái sinh.

Ngày 02 tháng 1 năm 2014 |

Bài viết liên quan

TẾ BÀO GỐC

NHỮNG BỆNH ĐÃ ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ HOÀN TOÀN BẰNG LIỆU PHÁP TẾ BÀO GỐC

LIỆU PHÁP NHAU THAI: MỘT CÁI NHÌN SÂU SẮC TỪ SINH HỌC VÀ ĐẶC TÍNH TRỊ LIỆU

ĐIỀU TRỊ LÃO HÓA DA BẰNG TẾ BÀO GỐC

NHỮNG LOẠI TẾ BÀO GỐC ĐANG ĐƯỢC ỨNG DỤNG TRONG ĐIỀU TRỊ HIỆN NAY

TẾ BÀO GỐC TRUNG MÔ CÓ THỂ ĐIỂU TRỊ DỨT ĐIỂM BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

TẾ BÀO GỐC VÀ KHỚP GỐI

TẾ BÀO GỐC

Ngăn ngừa Tế bào gốc Ung thư

Phương pháp Kích thích Tế bào gốc

Ngăn Ngừa Đột Quỵ Bằng Tế Bào Gốc

Trẻ – Khỏe – Đẹp

TOP