Laser - Chăm sóc Da

Laser Và Các Loại Sẹo

 Bác sĩ Huỳnh Cao Cường

 A.   Phân loại về sẹo

Mô sẹo là một khối tế bào phát sinh vô tổ chức, có hình dạng không xác định, nguyên nhân chủ yếu là do sự sản sinh sợi mô liên kết (collagen) bất thường sau tổn thương.

Các loại sẹo thường gặp và nguyên nhân:

  • Sẹo lõm sau quá trình viêm nhiễm: mụn bọc, nhọt, u nang, thủy đậu… Sẹo lõm sau mụn có thể dạng sâu hẹp do hình thành từ một nang lông bị viêm mủ hoặc dạng hố, rỗ to hơn do hình thành từ nhiều nang lông kế cận nhau viêm lan rộng hoại tử. Tình trạng viêm hoại tử rộng tại nang lông hình thành một dạng nặng của mụn trứng cá là mụn nang mủ (Acne cyst) hay mụn dạng nang.

 

Sẹo lõm do mụn

 

  • Sẹo lõm do chấn thương: tổn thương mạnh và sâu, làm mất đi mô da phía trên, mô cơ, mô mỡ và các cấu trúc bên dưới da. Tổ chức mô mới hình thành sẽ không có lớp mô đệm bên dưới và lõm xuống.
  • Sẹo lồi: do sự tăng sinh quá mức của tế bào sợi mô liên kết và mô đàn hồi của da tại lớp trung bì trong quá trình làm lành các tổn thương da, đặc biệt ở những người có cơ địa sẹo lồi.  
  • Sẹo co rút: do diện tích da tổn thương rộng lớn, khi lành da sẽ bị co rút có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động nếu ở vị trí các khớp.  
  • Sẹo mất sắc tố: thường gặp ở những người điều trị nám da, nốt ruồi hoặc mụn thịt bằng phương pháp laser hoặc đốt điện, không chỉ phá hủy cấu trúc bề mặt da mà còn tiêu hủy sắc tố melanin ở vùng sẹo.
  • Sẹo thâm: quá trình tăng sắc tố melanin trong da sau phản ứng viêm trên vùng tổn thương như mụn viêm, vết trầy xước da…
  • Rạn da: do tăng cân quá nhanh, da quá khô hoặc tăng tiết estrogen trong thời kỳ mang thai đã phá vỡ lớp mô đệm collagen và elastin, hình thành các vết sẹo rạn da ở những vùng da mỏng yếu. Các vết rạn có màu đỏ tía lúc đầu, sau chuyển sang màu trắng.

 

  1. B.   Phương pháp điều trị sẹo

 

Tùy thuộc vào mỗi hình thái sẹo khác nhau mà có những chỉ định điều trị cụ thể. Thời gian trung bình để can thiệp điều trị thay đổi từ 06 đến 18 tuần sau khi hình thành sẹo.

  • Các dạng sẹo do thay đổi sắc tố như sẹo thâm, sẹo mất sắc tố: có thể không cần điều trị, cơ thể sẽ tự động cân bằng sắc tố theo thời gian. Để hỗ trợ nhanh hơn sẽ dùng các loại thuốc thoa ngoài da có chứa thành phần Hydroquinone, Tacrolimus…dùng kem chống nắng kết hợp cho hiệu quả cao hơn.
  • Các dạng sẹo lớn như sẹo lõm do chấn thương, sẹo co rút, sẹo lồi diện tích rộng: do lượng mô tổ chức mất quá nhiều, khả năng phục hồi kém nên điều trị can thiệp ngoại khoa phẫu thuật thẩm mỹ như mổ tách dính, cấy ghép da…
  • Sẹo lồi diện tích nhỏ, sẹo thủy đậu, sẹo mụn, rạn da…là những chỉ định phù hợp với nội khoa thẩm mỹ như laser vi điểm, đốt laser sẹo lồi, kim lăn trị sẹo mụn…

 C.   Điều trị sẹo bằng laser

Sẹo lõm do mụn viêm diễn tiến kéo dài có nhiều hình thái khác nhau, phân bố chủ yếu ở vùng mặt, ngực, lưng. Dạng sâu hẹp, dạng nang…kết hợp tạo thành những sẹo rỗ lồi lõm không đều ảnh hưởng đến thẩm mỹ làn da nói chung và thẩm mỹ vùng mặt nói riêng.

Hiện nay có rất nhiều phương pháp trị sẹo mụn, sẹo rỗ và tất cả các phương pháp điều có sự thành công nhất định. Ví dụ như: dùng kim lăn, làm tổn thương sẹo, giúp tái tạo mô liên kết vùng sẹo, phương pháp này cho sự thành công cao 30-40 % sau 6-9 tháng điều trị.

Dùng laser vi điểm(Fractional laser CO2), đây là loại laser có tỉ lệ thành công trong điều trị trẻ hóa da, mờ rãnh nhăn, xóa sẹo rất cao, khoảng 50-60% sau 6-9 tháng điều trị. Vào cuối năm 2011, ngành thẩm mỹ hàng đầu của Châu Âu đã nghiên cứu thành công Fractional laser CO2  có hiệu quả 90% chữa lành sẹo, rãnh nhăn, tổn thương da bề mặt nông, sâu…

Kết hợp với sử dụng độ xuyên sâu của tia laser, năng lượng cao của tia laser phá hủy liên kết mô sẹo cũ và kích thích tăng sinh mô sợi liên kết mới. Ngoài ra, bề mặt tổn thương còn được tác động bởi sóng RF giúp các tế bào da xung quanh sẹo tiếp tục tăng sinh, kích thích mô collagen và sợi elastin phục hồi.

Kết hợp công nghệ tế bào gốc giúp quá trình phục hồi vùng mô tổ chức xảy ra nhanh hơn. Tế bào gốc được chiết xuất có chứa nhiều thành phần kích thích phát triển mô da, mô sợi, giúp làm liền vết thương, làm đầy vùng mô đã bị mất đi. Hiệu quả mang lại giữa phối hợp Fractional laser CO2 và tế bào gốc giúp trẻ hóa làn da, làn da mịn và sáng hơn so với ban đầu.

Sẹo lồi về nguyên lý hoàn toàn khác nhau với sẹo lõm. Nhưng cơ chế tác động của laser vi điểm vẫn là phá hủy liên kết mô sẹo cũ kết hợp với steroid dạng tiêm ức chế phản ứng viêm, silicon dạng thoa hay dán giúp ngăn ngừa quá trình hình thành sẹo. Dùng năng lượng của Fractional laser CO2 để phá vỡ cấu trúc sẹo phì đại và điều chỉnh quá trình tái tạo mô sợi liên kết mới. Hiệu quả giảm độ tăng sinh của sẹo lồi cũng như cải thiện đồng đều màu da vùng sẹo và vùng xung quanh.

Phòng ngừa những tổn thương về sắc tố sau điều trị laser với các biện pháp chống nắng là yếu tố quan trọng không kém. Kem chống nắng với SPF > 30, chăm sóc và giữ vệ sinh da đúng cách, dưỡng ẩm và tế bào gốc phục hồi da…là những phối hợp cần thiết giúp cải thiện làn da sau điều trị sẹo với laser.

Hệ thống laser an toàn phải được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế như đạt chuẩn về độ rộng của tia, năng lượng được kiểm tra tuyệt đối, người sử dụng bắt buộc phải là bác sĩ đã từng điều trị về chuyên môn laser.

Kết lại, đẹp và an toàn, kết hợp đủ và đúng, chăm sóc da toàn diện để vấn đề sẹo không còn là nỗi lo âu trong mỗi chúng ta.

 

Ngày 18 tháng 11 năm 2013 |

Bài viết liên quan

Giữ cho làn da sạch và khỏe

Chăm sóc Da sau điều trị Laser

Da Khỏe Đón Xuân

Laser Trong Sạm Da Thẩm Mỹ - Nên Hay Không?

Chăm Sóc Làn Da Của Bạn Hàng Ngày

TOP